CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Phan_14
A Miauw, nãy giờ chứng kiến cảnh đó từ đầu chí cuối, lại gần tôi. Ông ta đứng bên cạnh tôi và hít một hơi thật sâu.
“A Ling sắp đi Jakarta rồi,” ông ta chậm rãi nói. “Nó sẽ đáp chuyến bay chín giờ. Nó đến sống cùng bà cô neo đơn. Nó có thể được học hành tốt ở đấy…”
Tôi mụ người đi. Tôi không tin được tai mình nữa. Cảm giác khi hồi tưởng về Bodenga, đã thành sự thật. Lòng tôi như bị ai giày xéo, quặn thắt.
“Nếu đủ duyên, hai đứa mày sẽ gặp lại nhau ngày nào đó,” A Miauw vỗ vỗ vai tôi.
Tôi cúi đầu xuống như đang mặc niệm. Tay tôi nắm chặt bó hoa dại trên đỉnh núi và bài thơ của mình.
“Nó nhờ tao gởi lời chào đến mày và muốn đưa cho mày cái này…”
A Miauw đưa tôi một cái vòng ngọc. Tôi đã trông thấy A Ling đeo nó mấy năm nay. Mang sui là từ được chạm trên miếng ngọc, Định mệnh. Rồi A Miauw còn đưa tôi một chiếc hộp gói giấy tím in hình pháo hoa, giống y cái hộp đựng bài thơ của tôi. Một sự trùng hợp gần như không thể. Tôi biết mà! Từ đầu, ông Trời đã biết hết mối tình đẹp lạ thường này rồi.
Tôi đón lấy chiếc hộp, và vào khoảnh khắc đó tôi cảm thấy như tất cả hàng hóa trong cửa hàng đổ sập cả lên tôi. Tôi muốn nói cảm ơn và hỏi A Miauw nhiều điều nhưng lưỡi tôi như bị khóa chặt.
Ngực tôi thắt lại. Tôi nhìn quanh và một ý nghĩa đột nhiên lóe lên, tôi túm lấy Syahdan chạy ào ra ngoài.
Tôi guồng hết sức đạp xe từ Sinar Harpan về trường. Hàng mấy chục cây số, hết con dốc này đến con dốc nọ, tôi vẫn không giảm tốc độ. Tôi không được kiệt sức; tôi phải nhanh về trường mới được.
8:50 sáng.
Chúng tôi về đến trường. Syahdan vào lớp, tôi chạy băng qua sân trường về phía cây filicium. Tôi leo lên cây và ngồi trên cái nhánh tôi thường ngồi mỗi khi xem cầu vồng.
Mắt tôi không chớp khi ngước lên bầu trời trong veo, trống rỗng như trái tim tôi lúc này.
9:05 sáng.
Rồi một chiếc Fokker 28 xuất hiện. Bay từ Tangjong đến Jakarta. Tôi biết A Ling đang ngồi trong chiếc máy bay đó. Mắt tôi dán chặt vào cái vật mang người yêu của tôi lên cao đến tận những dải mây không với tới được. Máy bay bay mỗi lúc một xa khỏi tầm nhìn, xa bao nhiêu tim tôi nhói lên bấy nhiêu. Tôi càng nhìn, máy bay càng mờ đi, không phải do khoảng cách mà vì mắt tôi đầy ậng nước. Rồi nó mất hút. Người yêu đã bỏ ra đi, để lại tôi với cõi lòng tan nát. Bầu trời lại trống trơn như cũ. Tạm biệt nhé, mối tình đầu.
Chương 26 - Ba đứa bé thần tiên nổi giận BOM NGUYÊN TỬ nổ ở Belitong. Một đám khói khổng lồ bùng lên, mang theo phóng xạ, thủy ngân và amoniac. Mọi người nháo nhác chạy tìm chỗ trú, chuồi xuống mấy con kênh hay nhảy ào xuống cống rãnh. Nhiều người chết ngay tại chỗ, và những ai có cơ may sống sót thì chỉ còn là những sinh vật còi cọc, bốc mùi hôi hám.
Trông thấy vóc dáng lùn tịt nhỏ bé của người Belitong, chính quyền trung ương Jakarta lấy làm xấu hổ trước thế giới nên từ chối thừa nhận họ là công dân của nước cộng hòa này. Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi chỉ một vài người Mã Lai muốn tách ra khỏi khối thống nhất nước Cộng hòa Indonesia, chính quyền tổ chức trưng cầu dân ý về việc Belitong tuyên bố mình là một quốc gia độc lập. Và đương nhiên, một mình Belitong không thể tự xoay xở được bởi vì nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây đã bị khai thác đến cạn kiệt suốt hàng trăm năm nay. Hòn đảo sụp đổ.
Đúng lúc đó, Bodenga - pháp sư cá sấu lâu nay chẳng ai thấy mặt - xuất hiện và giành lấy chính quyền. Ông đàn áp những ai trước đây đã đối xử bất công với cha con ông. Tất cả những người đó bị lùa cả xuống dòng Mirang, để mặc cho lũ cá sấu xử lý. Những người lùn đó cố tìm cách giành sự sống quý giá nhưng vô vọng. Chẳng mấy chốc, xác họ nổi lềnh bềnh trên sông như cá bị trúng độc.
Đó chỉ là những suy nghĩ lẩn thẩn của một kẻ mơ mộng đang như phát rồ vì tình yêu đầu đời vụt khỏi tầm tay.
Tôi không thể nghĩ cho ra đầu ra đũa nữa, toàn mơ thấy ác mộng và bị ám ảnh bởi những tưởng tượng kỳ quái. Nếu tôi nghe chim hót, tiếng hót ấy sẽ biến thành tiếng loài chim huyền thoại mang tin chết chóc. Tôi nghĩ tất cả mọi người - các chủ cửa hàng, bác đưa thư, những công nhân mài dừa, cảnh sát dân sự và cu li - đều đang âm mưu chống lại tôi.
A Ling ra đi để lại trong tôi nỗi đau khôn nguôi. Tôi muốn xông vào cửa hàng Sinar Harapan. Nhưng tôi biết hành động đầy chất cải lương đó - mà tôi thường thấy trong các bộ phim Ấn Độ - chỉ có lũ chai bột đậu và mắm tôm chào đón mà thôi. Tôi đau khổ quá thể, chỉ biết đau khổ thôi.
Và rồi, những hình ảnh trong mấy bộ phim Ấn Độ lại quay trở về, sự chia ly khiến tôi sầu muộn đến phát ốm. Cách đây ít lâu tôi từng cười nhạo hàng xóm của mình, anh Bang Jumari, vì anh mắc chứng ỉa chảy nặng và lăn ra ốm vì chị họ của tôi, Kak Shita, nói lời chia tay anh. Tôi không thể hiểu làm sao lại thành ra như thế được. Nhưng giờ đây, số phận tương tự đã đổ ập xuống đời tôi. Tôi đã nhạo báng anh Bang Jumari, giờ thì tôi vướng vào phiền toái tương tự. Đúng là nghiệp chướng.
Tôi không đi học được đã hai hôm vì sốt cao. Tôi chỉ muốn ra khỏi giường. Đầu nặng trịch, hơi thở gấp. Mẹ cho tôi uống xi rô Askomin nhưng tôi vẫn không khỏi. Hóa ra bệnh tương tư chẳng thể nào dùng thuốc chiết xuất từ sâu mà chữa được. Và rồi thằng Mahar và tín đồ trung thành của nó đến thăm tôi.
Mahar mặc áo khoác dài đến gối. A Kiong tất tả đằng sau, kéo lê một cái va li như sinh viên y khoa tập sự. Ấy là chiếc va li đặc biệt vì nó dính đầy peneng sepeda - những nhãn dính được sử dụng ngày trước để cho biết là thuế xe đạp đã trả xong - và những biểu tượng chính quyền để cho thiên hạ biết rằng họ là những cán bộ có vai vế.
Lúc đó, thằng Syahdan cũng có mặt trong phòng tôi. A Kiong và Mahar không nói không rằng. Bật tay đánh tách, A Kiong ra hiệu cho Syahdan né sang một bên.
Mahar đứng ngay cạnh tôi và nhìn tôi từ đầu đến chân. Mặt nó nghiêm nghị như bác sĩ, và chẳng cần nhiều thời gian để nó hoàn tất việc chẩn đoán. Nó lắc đầu ý rằng ca bệnh này không phải nhẹ. Nó hít một hơi e ngại rồi đưa mắt sang A Kiong. “Dao!” nó đột nhiên hét lớn.
A Kiong vội mở va li lấy ra một con dao gỉ sét. Syahdan và tôi thất sắc. A Kiong kính cẩn trao con da đó cho thằng Mahar và thằng Mahar cầm lấy với cung cách hệt một bác sĩ phẫu thuật.
“Nghệ!” Mahar lại ra lệnh, rõ ràng rành mạch.
A Kiong lại vội vàng bốc thứ gì đó từ va li rồi đưa cho Mahar củ nghệ cỡ ngón tay cái. Vẫn nghiêm nghị như thế, Mahar cắt miếng nghệ ra, giã nát và vẽ một chữ “X” to tướng trên trán tôi nhanh đến nỗi tôi thậm chí không né kịp. Rồi, như thể biết trước bước kế tiếp là gì nên không cần ra lệnh, A Kiong lấy mấy lá cây dành dành từ va li ra thảy cho Mahar, thằng này nhanh tay chộp lấy và vừa quất không thương tiếc khắp người tôi vừa lầm rầm khấn khứa.
Không chỉ có thế, trong khi Mahar quất tôi bằng cành lá dành dành, thằng A Kiong vẩy nước khắp người tôi. Tôi cố né và xua tụi nó ra, nhưng không thể được vì thằng Mahar và A Kiong hợp thành một đội ăn ý, nhanh như cắt và làm gì cũng có bài có bản.
Không lâu sau, hai đứa đó thôi hành hạ tôi. Mahar thở phào nhẹ nhõm. Còn cái mặt ngu đần của thằng A Kiong cũng bắt chước Mahar toát lên vẻ nhẹ nhõm tương tự.
“Ba đứa bé thần tiên đang nổi giận vì mày nhìn trộm vào vương quốc gần cái giếng ở trường đó,” Mahar giải thích như thể linh hồn của tôi sẽ bị tổn thương vô phương cứu chữa nếu nó không đến kịp lúc. Chẳng có dấu hiệu gì trên khuôn mặt nó cho thấy nó cảm thấy có lỗi hay ác ý. Mahar và AKiong đã điềm nhiên hợp lực thực hiện một hành động hoàn toàn ngây thơ. Bọn nó không mảy may nghi ngờ cái phương thức chữa bệnh dốt nát ấy.
“Bọn nó khiến mày phát sốt đó,” nó tiếp tục trong khi cất đống dụng cụ y tế vào va li và trao nó cho A Kiong đầy kiểu cách.
“Nhưng mày đừng sợ gì cả, tao sẽ diệt trừ chúng nó và mai mày có thể đi học lại được rồi!”
Tôi chỉ còn biết chịu đựng và chấp nhận một trong những sự việc kỳ cục nhất đời mình ấy. Và rồi, không nói thêm lời nào, cũng không chào, hai đứa kéo nhau ra về. A Kiong không thốt ra dù chỉ một lời. Và thế là chỉ còn lại tôi - hệt như một con mèo mắc mưa - với Syahdan.
Sau hai thầy lang con nít ấy, cô Mus và mấy đứa bạn khác đến thăm tôi. Cô Mus mang cho tôi một viên APC.
Chương 27 - Edensor NGÀY HÔM SAU tôi có thể đi học lại, và tôi biết đó là nhờ viên thuốc APC của cô Mus.
Nhác thấy tôi, thằng A Kiong chạy như bay tới nắm lấy tay thằng Mahar lắc lấy lắc để. Thằng Mahar nhướng mày lên, so vai và gật đầu lia lịa. Thằng A Kiong càng cuồng tín thằng Mahar hơn.
Tôi chỉ khỏi bệnh về thể xác thôi, còn tâm bệnh vẫn chưa.
Tôi sống khép mình trong nhiều ngày. Tôi cảm thấy trống trải thất thường. Thật chẳng dễ gì quên được A Ling. Cõi lòng trống rỗng, và nỗi nhớ nhung khiến tim tôi như ai bóp chặt. Trước đây, khi tìm thấy tình yêu đầu đời của mình, tôi trở thành một người lạ lùng. Giờ vuột mất tình yêu ấy, tôi trở thành một người khác. Trước đây, khi tìm thấy tình yêu, lòng tôi lâng lâng một niềm hạnh phúc vụng về, một cảm giác tôi chưa từng nếm trải. Giờ đây khi tình yêu bỏ ra đi, tôi cảm thấy một nỗi u sầu cũng chưa nếm trải bao giờ. Một nỗi u sầu khiến các khớp xương đau nhói. Vậy nên tôi tìm đến pháp sư Mahar nhờ giải đáp thắc mắc.
“Boi, trận ốm tao vừa trải qua ấy là gì?”
Thật là một câu hỏi có thể khiến thằng Mahar bực mình. Thật lòng, tôi biết chuyện gì xảy đến với mình - tôi đang đau khổ vì người yêu bỏ ra đi. Tuy thế, một đứa lập dị như thằng Mahar mới có thể có một câu trả lời ma mị khiến cho tình cảnh của tôi mang một dáng dấp khác. Như hầu hết những người mang trong lòng mối tình tan vỡ, tôi đang bắt đầu suy nghĩ thiếu lý trí.
Mahar nhìn tôi chằm chằm, hơi bực bội, bảo, “Tao bảo mày thế nào hả? Coi chừng chỗ mày đi tiểu ấy!” Nó quay người bỏ đi mất.
Sau khi A Ling đi được hai tuần, trong một lần nghỉ giải lao, tôi - vẫn chán chường thế, dĩ nhiên rồi - đưa Lintang xem cái hộp cô nhờ cha cô trao lại cho tôi. Có ảnh một cái tháp trên hộp.
“Lintang, ảnh này là cái gì thế?”
Lintang ngắm nghía cái hộp.
“Tháp Eiffel đấy, Ikal. Ở Paris, thủ đô nước Pháp,” Lintang nói, giọng có chút ngạc nhiên. “Paris là thành phố của những người tài giỏi; họa sĩ và học giả sống cả ở đấy- Người ta nói đây là thành phố phồn hoa. Nhiều người mơ được sống ở đấy.”
Khi đi học về, tôi nằm lờ đờ trên giường, săm soi cái hộp. Rồi tôi mở nó ra. Trong đó có một cuốn nhật ký và một cuốn sách có bìa màu xanh da trời.
Tôi mở nhật ký ra và thật ngạc nhiên biết bao, khắp trên các trang giấy là tất cả những bài thơ tôi đã gởi cho A Ling. Những bài thơ được chép lại, từng bài một, vào nhật ký. Giờ tôi mới hiểu tại sao cô luôn trả lại tôi không sót bài thơ nào. Rồi tôi lấy cuốn sách bìa màu xanh xa trời ra.
Cuốn sách có tên Giá như họ có thể lên tiếng, tên tác giả tôi chưa hề nghe tới lần nào: James Herriot. Tôi không biết tại sao A Ling lại tặng tôi cuốn sách này, nhưng tôi muốn đọc thử xem sao. Tôi nhủ thầm trong bụng nếu đọc hết trang đầu tiên mà chẳng thấy có gì hấp dẫn thì tôi sẽ úp cuốn sách lên mặt ngủ luôn vì giờ tôi cũng buồn ngủ rồi.
Tôi lật trang bìa ra. Bằng phông chữ đều tăm tắp, bố cục không mấy hấp dẫn, nhan đề, tên tác giả và tên nhà xuất bản lần lượt xuất hiện. Tôi lật sang trang đầu tiên của chương một và bắt đầu đọc.
Như một bài hát, Herriot bắt đầu bằng một khúc dạo đầu bất thường nhưng cuốn hút.
Thoạt đầu, ông kể về chuyện ông đỡ đẻ cho một con bò. Ông không mặc áo, mà chuồng bò thì chẳng cửa nẻo gì. Gió thổi điên cuồng khiến từng đợt tuyết thốc mạnh vào nhà kho trút túi bụi xuống lưng ông. Ông nói rằng chưa có ai đem những chuyện thế này viết thành sách.
Sau những dòng ấy, tôi tiếp tục đọc đến dòng tiếp theo rồi tiếp theo nữa; rồi hết đoạn này đến đoạn khác. Có thể lật những trang sách như thế chỉ là một phản xạ thôi bởi vì tôi không hề nhận biết rằng mình đã đọc đến trang ba.
Tôi đọc ngấu nghiến hết trang này đến trang khác không ngừng lấy một giây. Có lúc thậm chí tôi còn đọc đi đọc lại mãi một đoạn. Chẳng mấy chốc, tôi đã đọc đến trang mười mà vẫn nằm nguyên trên giường đứng tại vị trí cũ, không hề nhúc nhích. Mọi hy vọng và nước mắt nhớ nhung A Ling tan biến theo từng trang sách.
Cuốn sách thần kỳ đó kể về những khó khăn của một chàng bác sĩ thú y trẻ tuổi trong thời kỳ suy thoái kinh tế hồi thập niên 1930. Chàng bác sĩ trẻ ấy, cũng chính là Herriot, làm việc tại một ngôi làng xa xôi hẻo lánh tên là Edensor ở mãi nước Anh.
Tôi cảm thấy, với mỗi câu viết của Herriot, một luồng sinh khí mới len vào tâm hồn tôi. Tôi há hốc miệng, nín thở mỗi khi đọc đến đoạn miêu tả ngôi làng Edensor. Những ngọn đồi nằm rải rác như những đợt sóng nhấp nhô. Tôi hình dung ra những đỉnh núi cao nơi có những con dốc thả mình xuống những ngọn đồi xanh mướt hòa vào thung lũng bao la. Tôi hình dung thấy những con sông vặn mình theo chân thung lũng giữa rừng liễu và những ngôi nhà nông dân dựng bằng sỏi.
Tôi như mê đi với ngôi làng nhỏ Edensor ấy và nhận ngay ra rằng trên thế gian này ngoài tình yêu ra vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ khác. Nghệ thuật miêu tả giàu sức lay động của Herriot chinh phục tôi hoàn toàn đến nỗi khi ông kể về con đường làng nhỏ rải sỏi trưóc ngôi nhà nơi chàng bác sĩ thực tập, tôi có thể ngửi thấy mùi cistuarias loang theo hàng rào chuồng gia súc tỏa xuống đường. Khi ông miêu tả những đồng cỏ trải rộng ngút ngàn trên những ngọn đồi Derbyshire bao quanh Edensor, tôi chỉ muốn đến ngay đó dưỡng thương, để những ngọn gió làng hiu hiu mơn man lên mặt.
Tối hôm ấy, tôi đọc xong cuốn truyện của Herriot và ngay lập tức xem nó như A Ling của tôi và tình cảm tôi dành cho nó không khác nào tình cảm tôi dành cho A Ling. Giờ tôi mới hiểu tại sao cô tặng cho tôi cuốn sách này.
Thật diệu kỳ, tôi bỗng nhiên khỏi bệnh. Tôi đã tìm thấy được một tình yêu mới nằm ngay bên trong chiếc cặp cũ kỹ của mình. Tình yêu đó là Edensor. Sau 480 giờ, 37 phút và 12 giây khóc than vì sự ra đi của A Ling, tôi quyết định thôi than thân trách phận và thôi ám ảnh bởi mối tình đầu.
Tôi đã quay ngoắt 180 độ.
Thay vì cứ hồi tưởng lại mãi cái cửa hàng xập xệ hôi hám Sinar Harrapan và cái khoảnh khắc tim tôi tan nát ở đấy, giờ tôi thường xuyên đến đọc sách ở thư viện Tanjong Pandan. Ở đấy, tôi toàn đọc những cuốn sách về bí quyết thành công, làm thế nào để giao tiếp tốt, những bước để trở nên quyến rũ và một loạt sách khác về phát triển cá nhân.
Tôi tập trung học tập và thôi những dự định vô lý, kỳ quặc. Tôi may mắn tìm thấy phương châm cuộc sống mới của mình trong một tờ báo cũ ở thư viện. Có một bài phỏng vấn giữa một phóng viên Mỹ kỳ cựu và ca sĩ John Lennon quá cố. Huyền thoại Rock ‘n’ Roll ấy bộc bạch, Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn khi bạn đang mải mê vạch ra những kế hoạch này nọ!
Tôi lùng sục hết mấy cửa hàng bên đường ở Tanjong Pandan cho đến khi tìm thấy một tấm áp phích thật lớn in chân dung ca sĩ này. Ngày hôm sau, tôi đến xin cô Mus cho treo trên lớp.
“Này trò,” cô giáo tôi nói, cau mày, nhăn trán, “nói thật với cô đi, em đã làm được điều gì xứng đáng để có quyền treo tấm áp phích này ở đây?”
Cô Mus đưa mắt qua Lý Tiểu Long, Lý Tiểu Long liếc nhìn Mahar, Mahar nhìn tôi ngạo mạn.
Tôi giải thích cho cô rằng mấy năm qua tôi đã tự nguyện lãnh nhiệm vụ mua phấn mà chẳng được thưởng công gì. Cô nghiêng nghiêng đầu.
“Thế hả, em nói không được thưởng công gì hả? Em nghĩ hai tai cô điếc hết à? Em nghĩ chuyện người ta kháo nhau ở chợ cá không đến tai cô hay sao, em nghĩ cô không biết rằng em chịu cực nhọc mỗi thứ Hai như thế là để được gặp con gái của ông chủ cửa hàng A Miauw hay sao?”
A, bắt tại trận rồi nhé!
“Em nghĩ rằng cô không biết vào các ngày thứ Sáu em giẫm nát hết chỗ phấn còn lại để được gặp cô gái đó hay sao?”
Tôi sửng sốt đen choáng váng; hóa ra cô Mus biết cả. Cô tường tận nhất cử nhất động của tôi suốt thời gian qua. Tôi thấy xấu hổ quá thể.
Tôi đứng đực ra đó. Tôi xin cô Mus tha lỗi. Tôi hôn tay cô, hứa rằng tôi sẽ trả lại cho lớp chỗ phấn đã chôn giấu gần gốc cây filicium. Rồi, tôi cố chuyển đề tài.
“Điều chúng ta cần nhất trong lớp, thưa cô, chính là nguồn cảm hứng!”
Tôi tiếp tục liên hệ tới lời khuyên khơi nguồn cảm hứng của John Lennon.
Dù chỉ là cô giáo làng thôi nhưng cô Mus có nhưng quan điểm tiến bộ. Có thể cô cũng ấn tượng bởi lời thành khẩn của tôi. Sau một hồi phân tích, tôi được phép treo tấm áp phích đó lên.
Như vậy, thật tuyệt, trong lớp tôi giờ đây có những ba tấm áp phích và một biểu tượng vẻ vang.
Rhoma Irama: Hujan duit (Cơn mưa tiền).
John Lennon: Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn khi bạn đang mải mê vạch ra những kế hoạch này nọ!
Lý Tiểu Long: Thế võ rồng - chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Biểu tượng của Muhammadiyah: Hãy làm điều tốt, tránh làm điều xấu.
Chương 28 - Kho tàng ẩn giấu bên dưới ngôi trường chúng tôi Một ngày u ám.
Hôm nay, chúng tôi nhận cùng một lúc bốn tin xấu.
Tin đầu tiên: Thầy Harfan ốm nặng. Thầy thậm chí không ra được khỏi giường.
Tin thứ hai: Ông Samadikun không hề ấn tượng với tấm ảnh chụp chiếc cúp chúng tôi thắng được ở lễ hội hóa trang vừa qua. Ông ta gửi trả lại. Nguy cơ trường học bị đóng cửa vẫn treo lơ lửng. Chúng tôi đợi lần thanh tra cuối cùng trong bực bội. Có thể hôm nay, có thể ngày mai. Nói cách khác, trường chúng tôi đang ở trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc và hễ có lệnh là tức khắc bị đóng cửa.
Tin thứ ba thật đáng lo ngại: Ngày càng nhiều thanh tra viên PN đên trường chúng tôi. Thậm chí họ vào cả trong lớp học và khoan nền lấy mẫu vật. Theo nguồn tin từ trưởng nhóm thì thiếc ở đây đạt độ 12; nghĩa là theo ước tính của họ, có khoảng 1.200 ký lô thiếc trong 1.000 mét khối đất.
“Rất cao - từ thời người Hà Lan đến nay chưa thấy nơi nào có mật độ thiếc cao thế này.”
Đứa nào đứa nấy ỉu xìu vì thế có nghĩa là: các máy xúc chắc chắn sẽ đến xới tung ngôi trường chúng tôi lên.
Cô Mus buồn rười rượi. Cô biết chuyện này không phải đùa. Giống như đường cụt không lối thoát vậy.
“Không chỉ có thế đâu,” ai đó trong đội thì thào ra vẻ giấu giếm, “chúng tôi còn tìm thấy cả ilmenite với tantalum nữa. Thậm chí có thể còn có uranium ấy chứ.”
Tantalum, cùng với ilmenite, kết hợp với nhau làm thành một mặt hàng đắt giá - có giá trị gấp mười lần thiếc.
Chúng tôi cảm thấy đời thật trớ trêu. Bên dưới ngôi trường cũ kỹ xập xệ của chúng tôi - ngôi trường nơi chúng tôi vật lộn với nghèo đói mỗi ngày để tiếp tục sống - lại cất giấu một kho tàng cực kỳ giá trị.
Tin thứ tư: Thằng Mahar.
“Em làm bài tập về nhà chưa?” cô Mus hỏi thằng Mahar và bắt đầu bài diễn văn lê thê quở phạt thằng Mahar về tội tày đình của nó. Cô kể rằng nó đã rơi vào con đường dẫn tới địa hạt của sự huyền bí. Một trong những tiết học đứa nào cũng thích - thể dục - hôm nay phải hủy để cô Mus nói chuyện với nó. Chúng tôi đều ở cả trong lớp cố giúp thằng Mahar trở lại con đường đúng đắn.
Thằng Mahar cúi đầu. Nó là đứa đẹp trai, thông minh và là một họa sĩ trẻ, nhưng rất khó lay chuyển nó một khi đã tin vào điều gì đó.
“Thưa cô, tương lai do Thượng đế định đoạt.”
Tôi thấy cô Mus vấp phải một thử thách lớn lao. Mặt cô tái đi. Có lần mẹ tôi bảo rằng cô giáo hay thầy giáo nào mở mắt cho chúng tôi để chúng tôi có thể nhận được mặt chữ và con số, để chúng tôi biết đọc biết tính thì sẽ được tưởng thưởng mãi cho đến khi lìa đời. Tôi đồng ý với mẹ - nhưng đây không phải điều duy nhất cô làm được. Cô còn mở cánh cửa trái tim chúng tôi nữa.
“Em không có dự định tích cực nào cả; em không chịu đọc hay làm bài tập về nhà nữa. Thời gian em bỏ ra cho Shaman giáp và quay lưng lại với những câu kinh của Đức Alla thế là quá đủ rồi đấy.” Cô Mus lại bắt đầu, giống như bản tin sáng vẫn phát trên kênh Radio Rebublik Indonesia.
Tin khẩn: “Điểm thi của em thấp đột ngột. Kỳ thi giữa kỳ hai sắp đến rồi. Nếu điểm vẫn thấp và em không đạt nổi điểm trung bình, cô sẽ không cho em thi cuối học kỳ. Có nghĩa là em không được tham gia kỳ thi quốc gia để lên lớp.”
Giờ thì nghiêm trọng rồi. Đầu của Mahar càng rũ xuống. Bài thuyết giảng vẫn tiếp tục.
Tin vắn: “Hãy sống theo đúng lời răn trong kinh Koran cùng truyện Thánh Mohamed và các tín đồ: Đó là nguyên tắc định hướng của trường Muhammadyah. Insyaalla, lạy Đức Alla phù hộ cho em khi lớn lên sẽ có phương kế sinh nhai hợp pháp và một cô vợ mộ đạo.”
Những tin tức khác: “Chủ nghĩa thần bí, khoa học dị thường, mê tín dị đoan, tất cả đều dưới dạng sùng bái thần tượng. Thuyết đa thần là thuyết vi phạm nghiêm trọng nhất đến đạo Hồi. Còn những bài học về tôn giáo vào mỗi thư Ba thì sao? Tất cả những bài học ấy thì sao? Em đã học được gì về những người vô thần trong quá khứ? Em học môn đạo đức Muhammadiyah rồi mà!”
Không khí trong lớp học căng lên. Chúng tôi những mong thằng Mahar sẽ xin cô tha thứ và nói rằng nói rằng nó đã thuộc bài. Ấy vậy mà câu trả lời của nó hoàn toàn trái ngược.
“Em tìm sự thông thái trong thế giới huyền hoặc, thưa cô. Em không muốn làm cô bực mà chỉ muốn tìm hiểu thôi. Sau này Thượng đế sẽ ban cho em một người vợ mộ đạo theo một cách thần bí nào đó.”
Còn dám thế nữa! Cô Mus cố hết sức kiềm chế cơn giận. Tôi biết cô muốn mắng nó một trận. Gương mặt kiên nhẫn của cô đỏ bừng lên. Cô ra khỏi phòng để bình tĩnh lại.
Chúng tôi đổ dồn mắt vào Mahar. Sahara cau mày lại nhìn nó trừng trừng.
“Ra ngoài xin lỗi cô mau đi! Mày còn không biết mình may mắn đến thế nào đâu đấy!” Sahara hằm hè.
Kucai, với tư cách là lớp trưởng, vào cuộc. Nó lớn tiếng, “Chống đối thầy cô cũng giống như chống đối cha mẹ vậy: đồ không vâng lời! Mày chưa nghe đến hình phạt dành cho sự không vâng lời là chứng sa ruột à? Bụng mày sẽ trương phình lên như một quả bí ngô cho xem!”
Kucai nhiếc móc Mahar, nhưng cặp mắt to cộ của nó lại đậu xuống Harun.
Gương mặt thằng Mahar nhìn rất lạ. Nó vừa có vẻ hối hận lại vừa như muốn giữ chính kiến - bám lấy quan điểm của mình về mọi điều. Chúng tôi không thể dung thứ thái độ thiếu lễ độ đó, nhưng ngay khi chúng tôi định phản đối nó, thì cô Mus trở lại với một mẩu tin chấn động hơn:
“Nghe cho kỹ đây, cậu nhỏ. Chẳng có chút khôn ngoan nào trong thuyết đa thần cả! Điều duy nhất em sẽ nhận được từ việc thực hành chủ nghĩa thần bí là sự lạc lối, và càng dấn sâu vào những niềm tin kiểu đó thì em càng bi tuột sâu hơn vào cái hố không đáy của thuyết đa thần. Và quỷ sứ sẽ giúp em quạt lên từng hòn than mà em đã ném vào trong đám lửa ấy!”
Mahar co rúm người lại, nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Cô Mus tiếp, “Giờ em phải chấn chỉnh lại đi vì...”
Trước khi ra tối hậu thư, cô Mus bị một lời chào “Assalamu alaikum” cắt ngang.
Cô Mus dừng lại giữa câu, quay ra cửa. Có hai người đang đứng ngay cửa. Cô Mus chào lại và mời họ vào, một ông có vẻ là người có thế lực và một con nhỏ tướng mạo giống con trai. Con nhỏ đó cao gầy. Nó để tóc ngắn, da trắng và ưa nhìn.
Người đàn ông có thế lực đó cố mỉm cười thân thiện. “Đây là con gái tôi, Flo,” ông ta chậm rãi nói. “Nó không muốn đến trường PN nữa và đã bỏ học hai tuần nay rồi. Nó cứ nhất định đòi học ở đây cho bằng được.”
Người đàn ông gãi gãi đầu; ông ta rất bối rối. Từ ngữ thoát khỏi miệng ông ta hết sức khó khăn, như thể chúng nặng hàng chục ký lô vậy. Cách ông nói cho thấy ông đã cố đưa ra lý lẽ với con gái mình nhưng đành thất bại.
Cô Mus cười cay đắng. Hết thử thách này đến thử thách khác, không dứt. Cô còn đang không biết tính sao truớc bệnh tình của thầy Harfan. Cô đang phải đối mặt với tất cả những khó khăn của chúng tôi - từ việc dạy dỗ cho đến nguy cơ trường học bị đóng cửa - một mình cô. Chưa hết, lại còn chuyện sớm muộn mấy cái máy xúc cũng sẽ tới đây, rồi thằng Mahar lầm đường lạc lối, ấy mà giờ lại thêm một con nhỏ dáng vẻ giống hệt con trai, hẳn sẽ khó trị. Hôm nay đúng là một ngày kém may mắn của cô Mus.
Flo dửng dưng - nó thậm chí không rặn ra được lấy một nụ cười. Nó chỉ nhìn chằm chằm vào cha. Thái độ của con nhỏ xinh đẹp đó tạo nên một hình ảnh thật ấn tượng. Có vẻ nó là đứa quyết đoán và biết chắc điều mình muốn. Người cha nhìn sang nó với vẻ nhân nhượng, chịu thua, ông ta đi quanh lớp xem xét mọi thứ. Có lẽ ông đang liên tưởng đến một căn phòng hỏi cung của Nhật Bản. Với ánh mắt buồn buồn, ông cất tiếng, “Vậy tôi xin giao con gái cho cô nhé cô Mus. Nếu nó gây chuyện gì cô biết tìm tôi ở đâu rồi đấy. Và tôi rất tiếc phải nói ra điều này nhưng chắc nó sẽ gây phiền cho cô đấy.”
Chúng tôi cười ồ lên trong khi cha nó lộ vẻ ngại ngùng. Flo vẫn cứ trơ trơ thế, như thể những lời nói của cha chẳng mang một ý nghĩa gì. Cha nó xin cáo từ.
“Thôi được rồi, chào mừng em đến với lớp học chúng tôi. Em ngồi cạnh Sahara nhé,” cô Mas bảo Flo.
Sahara vui ra mặt. Nó phủi phủi chỗ ngồi cạnh mình. Nhưng Flo chẳng chịu nhúc nhích. Nó dõi mắt nhìn xa xăm qua cửa sổ. Chúng tôi chẳng hiểu ra làm sao cả.
Rồi Flo quay lại phía chúng tôi, chỉ vào thằng Trapani tuyên bố dõng dạc, “Em chỉ muốn ngồi cạnh Mahar.”
Không thể tin nổi! Câu nói đầu tiên thốt ra từ cái miệng của con nhỏ nhà giàu, chỉ một vài phút sau khi đặt chân đến Trường Tiểu học Muhammadiyah, thật ngang ngược hết chỗ nói. Lớp chúng tôi ít khi có đứa nào dám tỏ thái độ như thế. Chúng tôi không gọi cô giáo của mình bằng cách gọi thông thường, cô ơi, mà phải là thưa cô nữa kìa.
Mặt cô Mus sa sầm lại. Cô vừa chợt nghĩ không biết thằng Mahar và con nhỏ ngổ ngáo đó có phá tan những nguyên tắc đạo đức của trường này không - và giờ hai đứa lại muốn liên minh với nhau nữa? Cô Mus lại bước lên một nấc thang thử thách mới. Nhìn mặt con nhỏ Flo cũng có thế thấy rõ nó không bao giờ chịu thỏa hiệp. Cô Mus không định tranh luận; chỉ tổ vô ích thôi. Một mặt, Flo có thể không cho rằng bản thân mình là con gái, vậy nên nó không muốn ngồi cạnh Sahara. Mặt khác, có thể nó nghĩ thằng Trapani sẽ chịu nhường nó vì nó là con gái. Đấy, việc không biết mình là ai thường khiến mọi chuyện lằng nhằng thế đấy.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian